Cuộc đời Hưng Hiếu vương

Tháng 9 năm Đinh Sửu (1337), Thượng hoàng Trần Minh Tông phái Hưng Hiếu vương đến Đà Giang đánh dẹp người man Ngưu Hống. Hưng Hiếu vương hành quân bằng đường thủy ngược dòng sông Bạch Hạc, bất ngờ tập kích trại Trịnh Kỳ, chém được thủ lĩnh Xa Phần. Khi về kinh nhận thưởng, Hưng Hiếu vương xin được thưởng cho những người giữ thuyền giống trường hợp Trần Khánh Dư đánh dẹp Nam Nhung ngày trước, nhưng Thượng hoàng không cho là phải[lower-alpha 1].[4] Gia đồng của ông là Phạm Ngải lập nhiều công lao trong trận này, nhưng vì thân phận gia nô mà không được phong quan[lower-alpha 2][4], chỉ được thưởng năm mảnh ruộng.[6]

Khoảng 1342–1352, Chiêm Thành lâm vào cuộc nội chiến tranh chấp ngôi vua giữa vương tử Chế Mỗ và anh rể Chế A Nan. Hưng Hiếu vương được giao trông coi Hóa Châu để phòng ngừa. Trong thời gian này, Chế Mỗ nhiều lần hối lộ Hưng Hiếu vương để xin quân nhà Trần can thiệp. Hưng Hiếu vương dù nhận lời nhưng không hề xuất quân hay tâu về triều đình, chỉ khuyến khích Chế Mỗ sang Đại Việt tị nạn.[7] Tháng 3 (ÂL) năm Nhâm Thìn (1352), Chế Mỗ thất bại, được Hưng Hiếu vương giúp đỡ chạy sang Đại Việt. Chế Mỗ dâng lên nhiều đồ quý để xin nhà Trần giúp đỡ.[8]

Năm Quý Tỵ (1353), Chế Mỗ qua lại với gia nhi của Trần Minh Tông là Tước Tề để xin trợ giúp[lower-alpha 3]. Tháng 6 (ÂL), triều đình nhà Trần đồng ý cử quân đội đưa Chế Mỗ về nước, nhưng quân đội hành quân đến Cổ Lũy thì thất bại, phải rút về.[7] Tháng 9 (ÂL), Chiêm Thành cho quân sang cướp bóc Hóa Châu, địa phương không chống cự nổi; triều đình phái Trương Hán Siêu cầm quân Thần Sách vào trấn giữ. Đến tháng 11 (ÂL) năm Giáp Ngọ (1354), Trương Hán Siêu mất, triều đình không còn quan viên nào đủ sức trấn thủ vùng biên nữa.[9] Có khả năng Hưng Hiếu vương mất trong khoảng 1352–1353.